Quá trình nghiên cứu
Quá trình nghiên cứu trải qua các giai đoạn: Hình thành ý tưởng nghiên cứu \Rightarrow Xác định các câu hỏi nghiên cứu \Rightarrow Phát triển ý tưởng nghiên cứu: Tổng quan lý thuyết (literature review) \Rightarrow Phát triển các giả thuyết \Rightarrow Thiết kế nghiên cứu \Rightarrow Thu thập số liệu và phân tích số liệu \Rightarrow Tổng hợp thành báo cáo.
Thiết kế nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu (research design) là kế hoạch tổng thể chỉ ra bạn sẽ thực hiện như thế nào để trả lời các câu hỏi nghiên cứu. Nó bao gồm xác định rõ mục đích nghiên cứu (xuất phát từ các câu hỏi nghiên cứu), xác định rõ các nguồn mà bạn sẽ thu thập số liệu, cân nhắc các điều kiện mà bạn có (ví dụ: khả năng truy cập số liệu, thời gian, địa điểm, tiền bạc) cũng như xem xét các vấn đề về đạo đức. Điều quan trọng là nó phải phản ánh thực tế là bạn đã suy nghĩ cẩn thận về việc tại sao bạn sử dụng thiết kế nghiên cứu nào đó. Bạn phải có lý do hợp lý cho tất các quyết định thiết kế của mình. Các lý lẽ luôn phải căn cứ vào các câu hỏi, mục tiêu nghiên cứu và triết lý nghiên cứu .

Trong hình trên, ba lớp: chiến lược nghiên cứu (research strategies), lựa chọn phương pháp nghiên cứu (research choices) và chiều thời gian của nghiên cứu (time horizons) xem như quá trình thiết kế nghiên cứu – nó có nghĩa là biến câu hỏi nghiên cứu thành dự án nghiên cứu .
Mục đích của một nghiên cứu
Mục đích của một nghiên cứu có thể là :
- Khám phá (exploration): Nhiều nghiên cứu xã hội khám phá một chủ đề, tức là nhà nghiên cứu tìm hiểu một chủ đề mới (đối với nhà nghiên cứu) hoặc bản thân chủ đề nghiên cứu là tương đối mới. Các nghiên cứu khám phá cũng phù hợp với các hiện tượng kéo dài (persistent).
Các nghiên cứu khám phá thường được thực hiện với ba mục đích: 1) để thỏa mãn sự tò mò và mong muốn hiểu rõ hơn của nhà nghiên cứu, 2) để kiểm tra tính khả thi của việc thực hiện một nghiên cứu sâu rộng hơn, và 3) để phát triển các phương pháp được sử dụng trong những nghiên cứu tiếp theo. - Mô tả (description): Mục đích chính của nhiều nghiên cứu khoa học xã hội là để mô tả các tình huống và các sự kiện. Nhà nghiên cứu quan sát và sau đó mô tả lại những gì quan sát được – nhờ quan sát một cách khoa học nên các mô tả khoa học chính xác và tin cậy hơn so với các mô tả thông thường.
- Giải thích (explanatory): Dạng nghiên cứu để giải thích vấn đề nào đó. Nghiên cứu mô tả nhằm trả lời các câu hỏi: cái gì (what), ở đâu (where), khi nào (when) và như thế nào (how); nghiên cứu giải thích nhằm trả lời câu hỏi tại sao (why). Xác định xu hướng bỏ phiếu cho một ứng viên là mô tả, xác định tại sao một số người bỏ phiếu cho ứng viên A nhưng một số khác lại bỏ phiếu cho ứng viên B thì là giải thích.
Đơn vị nghiên cứu
Đơn vị nghiên cứu (unit of analysis) là người hoặc vật mà các đặc tính của nó sẽ được nhà nghiên cứu quan sát, mô tả và giải thích .
Đơn vị nghiên cứu cũng thường là đơn vị quan sát – nó là những gì chúng ta xem xét để tạo ra các mô tả tổng hợp của tất cả các đơn vị như vậy và để giải thích các khác biệt giữa chúng .
Đơn vị nghiên cứu có thể là 1) cá nhân, 2) nhóm, 3) tổ chức, 4) tương tác xã hội (social interactions), 5) tạo tác xã hội (social artifacts)
Chiều thời gian trong nghiên cứu
Các hiện tượng xảy ra theo quá trình thời gian có thể được nghiên cứu theo dạng cắt ngang (cross-sectional research) hoặc theo chiều dọc (longitudinal research) – tức kéo dài theo thời gian.
Nghiên cứu cắt ngang dựa trên các quan sát tại một thời điểm. Dù đặc điểm này hạn chế nghiên cứu trong thời điểm đó nhưng đôi khi các nhà nghiên cứu sử dụng cách này để suy diễn cho cả quá trình.
Nghiên cứu theo chiều dọc dựa trên các quan sát tại nhiều thời điểm. Các quan sát có thể thực hiện trên các mẫu khác nhau lấy từ tổng thể (nghiên cứu xu hướng – trend studies) hoặc các mẫu khác nhau lấy từ các nhóm cụ thể trong tổng thể (nghiên cứu thuần tập – cohort studies) hoặc cùng một mẫu (nghiên cứu bảng – panel studies).